15:14 ICT Chủ nhật, 28/04/2024
QUẢNG CÁO

Tổ chức chứng nhận



Trang nhất » Tin tức » HỆ THỐNG QUẢN LÝ QUỐC TẾ

Môi trường và ISO 14000 ở các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ hai - 01/04/2013 00:12 - 7011
    Chia sẻ:
Môi trường và ISO 14000 ở các doanh nghiệp Việt Nam

Môi trường và ISO 14000 ở các doanh nghiệp Việt Nam

Công nghiệp hóa nhanh và hiện đại đã đem lại cho người dân mức sống cao hơn nhưng mặt trái của nó là môi trường sống bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng. Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường – Bộ Công an cho thấy, tính đến giữa năm 2010, cả nước đã phát hiện 3.600 vụ vị phạm trong đó các vụ xả nước không qua xử lý.

Có nhiều ý kiến cho rằng bảo vệ môi trường là một hoạt động đầu tư tốn kém, để có lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh về giá cả, doanh nghiệp phải “hoãn” vấn đề môi trường sang một bên. Tuy nhiên, nếu có cách tiếp cận đúng và lựa chọn được phương pháp hiệu quả, với một nguồn đầu tư thích hợp doanh nghiệp vẫn có thể đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường.

“Biển cấm” đã giương lên

Tuy bảo vệ môi trường là một vấn đề còn mới, nhưng tỷ lệ thuận với tốc độ xuống cấp của môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này đã từng bước được hoàn chỉnh, thể chế hoá vào hầu hết các ngành luật.

Hệ thống pháp luật quy định về bảo vệ môi trường ở nước ta từ năm 1993 đến nay đã điều chỉnh tương đối đầy đủ các yếu tố tạo thành môi trường. Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã quy định từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quyền và nghĩa vụ cơ bản của mỗi tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường.

Hệ thống tiêu chuẩn về môi trường cũng đã được ban hành, làm cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ thể trong việc bảo vệ môi trường. Các quy định pháp luật đã chú trọng tới khía cạnh toàn cầu của vấn đề môi trường.

Thời gian vừa qua, một loạt hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các tổ chức, doanh nghiệp đã bị người dân, báo chí, các cơ quan chức năng phát hiện, thậm chí có doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa.

Vấn đề môi trường đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt lớn từ phía cơ quan quản lý và cộng đồng. Đó sẽ là "biển cấm" đối với các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm yếu trước vấn đề này.

Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001:2004 là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực kiểm soát đầu vào và quá trình sản xuất để giảm thiểu chất thải, chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường thay vì đối phó thụ động thực hiện các yêu cầu pháp lý. Áp dụng ISO 14001 không chỉ nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong con mắt khách hàng và người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp  vượt qua những rào cản kỹ thuật khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Tại Việt Nam, chứng chỉ ISO 14001 đã được cấp lần đầu tiên vào năm 1998, tính đến tháng 12/ 2008, có 325 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 14001.

Thời gian đầu, tại Việt Nam áp dụng ISO 14001 hầu hết là các công ty nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, đặc biệt là với Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất sớm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Với văn hóa bảo vệ môi trường và áp dụng ISO 14001 của Công ty mẹ bên Nhật, các công ty con trong đó có công ty con ở Việt Nam cũng phải xây dựng và áp dụng ISO 14001. Những doanh nghiệp này góp phần cùng với các công ty lớn của Việt Nam như Xi măng Sài Sơn, Giày Thụy Khuê… gây dựng phong trào áp dụng ISO 14001 ở Việt Nam.

Các tổ chức trong nước cũng đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty xi măng như Xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Hoàng Mai… cũng đều đã, đang và trong quá trình xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001. Gần đây, một loạt khách sạn thành viên thuộc Tập đoàn Saigon Tourist cũng đã được chứng nhận ISO 14001.

Tuy nhiên, so với số lượng khoảng 6.000 doanh nghiệp đã được chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 thì số lượng các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn về quản lý môi trường còn rất nhỏ. Điều này cho thấy tại Việt Nam, các doanh nghiệp/tổ chức vẫn chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Có thể liệt kê ra đây một số khó khăn trong việc áp dụng ISO 14001:

Chính sách, cơ chế của nhà nước không nhất quán và thiếu công bằng:

Mặc dù có sự quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường nhưng cho tới nay, Nhà nước chưa có chính sách cụ thể và nhất quán để hỗ trợ/ ưu đãi các doanh nghiệp trong nước áp dụng hệ thống QLMT theo tiêu chuẩn ISO 14001 mà chủ yếu do áp lực từ phía khách hàng. Ngược lại mong thu hút đầu tư, nhà nước lại lới lỏng quản lý môi trường với các doanh nghiệp FDI nước ngoài, đặc biệt là công tác thực thi yêu cầu pháp luật trong bảo vệ môi trường còn thiếu hiệu quả, dẫn tới nản lòng và thiệt thòi cho những tổ chức quan tâm và đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp nước ngoài áp dụng ISO 14001 nhiều hơn là do đáp ứng yêu cầu của khách hàng và chuỗi cung ứng và văn hóa tập đoàn và cũng không xuất phát từ ý thức đầu tư để bảo vệ môi trường nước sở tại. Do đó việc áp dụng ISO 14000 nhiều khi còn mang tính hình thức và đối phó. VD, Vedan “giết” sông Thị Vải do xả nước chưa qua xử lý nhưng thực tế Vedan vẫn có chứng chỉ ISO 14001.

 

Tốn kém trong đầu tư cải thiện và duy trì cơ sở vật chất, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Khoản đầu tư cải thiện cơ sở vật chất lớn cũng là một trở ngại thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng ISO 14001. Muốn thực hiện ISO 14001, cần có những điều kiện tối thiểu: cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu để đảm bảo công tác quan trắc môi trường đạt yêu cầu. Cân đối với lợi nhuận ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay thì khoản đầu tư này là một thách thức không nhỏ, do đó xuất hiện tình trạng nếu không thật sự cần thiết (không có yêu cầu của khách hàng, để ký kết hợp đồng…) thì có doanh nghiệp trong nước không áp dụng ISO 14001 để tránh những khoản đầu tư nhất định.

Ngoài ra, không kể đến chi phí cho việc vận hành của các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng gân không ít tốn kém cho doanh nghiệp trong quá trình duy trì. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp mặc dù có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng không vận hành thường xuyên mà chỉ vận hành khi có đợt kiểm tra của cơ quan chức năng. Tung Twang (Hải Dương) là một VD điển hình.

Chính sách môi trường mờ nhạt, không ăn nhập với chính sách phát triển dài hạn của doanh nghiệp

Một trong những yếu điểm dễ thấy của doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề hoạch đinh, định hướng, việc định hướng pháp triển chung của doanh nghiệp còn yếu kém thì việc định hướng cho hoạt động bảo vệ môi trường còn mờ nhạt hơn nữa.

Việc xây dựng chính sách môi trường đến nay vẫn rất hình thức và chung chung, đôi khi sử dụng luôn ý tưởng của chuyên gia tư vấn khiến cho chính sách môi trường không nhất quán với chính sách phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Có nhiều tổ chức áp dụng ISO 14001 nhưng cán bộ và công nhân không hiểu thậm chí không biết đến chính sách môi trường thì không thể phát huy được sự tham gia của mọi người trong công ty trong công tác bảo vệ môi trường.

Mục tiêu phát triển chung một đằng, mục tiêu môi trường một nẻo

Khi lựa chọn và đưa ra các mục tiêu môi trường liên quan tới yếu tố môi trường quan trọng, tổ chức phải có trách nhiệm đảm bảo các mục tiêu này sẽ được thực hiện, qua đó giảm thiểu tác động và hoạt động quản lý môi trường của tổ chức sẽ dần được hoàn thiện.

Tương tự như với chính sách môi trường, xác định mục tiêu một cách phù hợp, hiệu quả, vừa gắn kết với mục tiêu phát triển chung vừa nhất quán với chính sách môi trường lại là vấn đề nhiều tổ chức còn yếu.

VD: được sự hướng dẫn của chuyên gia tư vấn, sau một năm, doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu môi trường đề ra năm đầu tiên, nhưng năm tiếp theo tư vấn đã rút đi, doanh nghiệp lại loay hoay không biết lựa chọn mục tiêu môi trường nào, hoặc lựa chọn mục tiêu môi trường không khả thi (khó thực hiện hoặc tốn nguồn lực) hoặc không nhất quán với chính sách môi trường đề ra.

Lời khuyên cho những doanh nghiệp tránh khỏi tình trạng này là hãy tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn đối tác tư vấn, đặc biệt là những cam kết và phương pháp tiếp cận thực hiện dự án tư vấn để đảm bảo sao cho sau khi chuyên gia tư vấn đã rút đi, doanh nghiệp và các nhân sự chủ chốt có đủ năng lực để tự duy trì phát triển được hệ thống QLMT đã được xây dựng.

Hiệu quả công tác đánh giá nội bộ chưa cao

Đánh giá nội bộ là một hoạt động quan trọng, cần được triển khai định kỳ nhằm xác định hiệu lực cũng như tìm ra các cơ hội để cải tiến hiệu quả của hệ thống Quản lý. Tuy quan trọng như vậy nhưng hiện nay, hoạt động đánh giá nội bộ cũng là yếu điểm của các doanh nghiệp. Một số nguyên nhân thường gặp:

·         Sự quan tâm của lãnh đạo chưa thực sự đầy đủ và sâu sát,

·         Không được hoặc không biết cách xây dựng chương trình đánh giá nội bộ hiệu quả,

·         Năng lực của đánh giá viên nội bộ không đáp ứng,

·         Tâm lý cả nể trong quá trình đánh giá và lập báo cáo đánh giá,

·         Đánh giá nội bộ mang tính hình thức, lấy lệ để có hồ sơ,

·         …

Vì vậy các phát hiện trong đánh giá nội bộ đôi khi chưa mang lại giá trị thực sự cho việc cải tiến công tác bảo vệ môi trường.

Lời khuyên cho những doanh nghiệp tránh khỏi tình trạng này là hãy tìm hiểu kỹ và yêu cầu chuyên gia tư vấn xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp tài liệu và lập kế hoạch cụ thể cho việc huấn luyện đánh giá viên nội bộ một cách cụ thể và khả thi trong việc tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm đánh giá.

Tóm lại, mặc dù việc áp dụng ISO 14001 ở các doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự tương ứng với các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, tuy nhiên với những chính sách hỗ trợ của một số địa phương trong thời gian gần là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thực sự mong muốn áp dụng ISO 14001 một cách hiện quả để góp phần mang lại màu xanh cho thế giới.

Một số chính sách của Nhà nước liên quan đến việc áp dụng ISO 14001:

  • Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" (Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg)
  • Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 về việc phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
  • Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ 26/2007/CT-TTg ngày 26/11/2007 về việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên- môi trường và phát triển bền vững.
  • UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3746/QĐ – UBND Quy định hỗ trợ doanh nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội áp dụng hệ thống quản lý môi trường (HTQLMT) theo tiêu chuẩn ISO 14000 nhằm thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000.
  • Quảng Ninh và Hải Phòng là hai địa phương có mức hỗ trợ tương đối cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng ISO 14000.

Nguồn tin: P&Q Solutions

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Kế hoạch đào tạo năm 2023
 
Download tài liệu
Đào tạo trực tuyến
P & Q Update
SIX SIGMA ĐAI VÀNG
Chúng tôi trên youtube