20:55 ICT Thứ hai, 02/12/2024
QUẢNG CÁO

Tổ chức chứng nhận



Trang nhất » Tin tức » LEAN & KAIZEN

Thách thức giá thành sản xuất & Hệ thống chất lượng trong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ ba - 22/11/2022 11:44 - 900
    Chia sẻ:
“Giá thành sản xuất cao và hệ thống quản lý chất lượng thiếu ổn định và tin cậy là hai thách thức chính của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam trong tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Các SME được khuyến nghị tập trung phát triển năng lực sản xuất thông qua Lean Manufacturing và củng cố hệ thống chất lượng thực chất, hiệu quả.”
“Thay vì tập trung đi tìm kiếm đối tác mua hàng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tập trung phát triển mức độ sẵn sàng cho việc hợp tác khi có nhà mua hàng tiềm năng”, phát biểu của ông Daniel FitzPatrick – Giám đốc dự án LinkSME do USAID tài trợ - khai mạc phiên hội thảo trong Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp do Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 8/9/2022. Cũng theo ông Fitzpatrick và đại diện các nhà mua hàng đa quốc gia tham luận tại hội thảo, trong quá trình hợp tác để trở thành các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam thường thất bại ở 2 khía cạnh là giá thành sản xuất cao và thiếu hệ thống chất lượng đáng tin cậy. 
Trong chu trình tìm kiếm đối tác cung ứng của các nhà mua hàng đa quốc gia, báo giá, dựa trên linh kiện và bản vẽ được cung cấp, thường là giai đoạn quan trọng đầu tiên để xác định cơ hội hợp tác. Trong giai đoạn này, báo giá từ đối tác cung ứng tiềm năng được đối sánh với với các nguồn cung hiện tại ở Việt Nam và trong khu vực. Các doanh nghiệp SME của Việt Nam được cho là không cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là từ Trung Quốc. Thậm chí, trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp thất bại trong giai đoạn báo giá ngay cả khi giai đoạn đánh giá năng lực công nghệ đã có kết quả tích cực. Ở phương diện quản lý năng suất, tình trạng giá thành sản xuất cao và thất bại trong giai đoạn báo giá thường là kết quả tổng hợp của 2 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, các doanh nghiệp SME tổ chức hoạt động sản xuất thiếu hiệu quả, từng công đoạn và cả chu trình tiềm ẩn nhiều lãng phí và biến động. Điều này thường thể hiện ở hiệu suất sử dụng thời gian nhân công và hiệu suất sử dụng thiết bị thấp, tỉ lệ tiêu hao nguyên liệu và mức độ sử dụng mặt bằng sản xuất cao. Một số nghiên cứu riêng lẻ về hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí cho thấy các chỉ số này ở các doanh nghiệp SME chỉ hiệu quả bằng 1/2, thậm chí là 1/3 so với các doanh nghiệp có thực hành tốt cùng ngành.
Thứ hai, do sự kém hiệu quả và thiếu tin cậy trong tổ chức sản xuất, tổng thời gian chu trình sản xuất, lead time, từ nhập nguyên liệu đến xuất hàng của các SME thường dài gấp 2 đến 3 lần so với doanh nghiệp có thực hành tốt cùng ngành. Tổng thời gian chu trình sản xuất dài làm giảm chu kỳ quay vòng và tăng nhu cầu sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc chỉ đạt mức hiệu suất tổng thể thiết bị ở mức xung quanh 50% so với các doanh nghiệp thực hành tốt, nhu cầu đầu tư thiết bị và hạ tầng của SME theo đơn vị sản xuất cũng vì thế mà tăng lên gấp đôi. Cả nhu cầu sử dụng vốn lưu động và đầu tư thiết bị cao ở trên đều dẫn đến việc tăng đáng kể về chi phí sử dụng vốn.
Khi vượt qua được “cửa ải” báo giá, các nhà cung ứng tiềm năng sẽ được thử thách tiếp theo ở màn đánh giá hệ thống chất lượng thông quan hoạt động đánh giá ban đầu, đánh giá định kỳ và bất thường. Theo đánh giá của đại diện Fujikura, doanh nghiệp Nhật Bản tham gia tìm kiếm nhà cung ứng trong Hội nghị trên, thì nhiều doanh nghiệp SME của Việt Nam có ISO nhưng lại thiếu một Hệ thống chất lượng ổn định và đáng tin cậy. Trong khi nỗ lực và “cầu thị” trong giai đoạn đầu để đánh giá phê duyệt, doanh nghiệp lại thường bị “trượt” trong những lần đánh giá định kỳ hoặc bất thường và một số trường hợp nghiêm trọng đã bị kết thúc đặt hàng. Những đánh giá tương tự cũng đã từng được đưa ra bởi các chuyên gia quốc tế trong dự án Thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) của Ngân hàng thế giới thực hiện, 2018 – 2021. Các nguyên nhân được chỉ ra bao gồm thiếu sự tích hợp giữa hoạt động tác nghiệp với các quy trình quản lý, thiếu năng lực trong quy trình triển khai sản phẩm mới và quản lý vòng đời sản phẩm, chu trình giải quyết vấn đề kém hiệu quả, và thiếu sự “sở hữu” của các bộ phận sử dụng đối với các yếu tố của hệ thống chất lượng. Việc bị “trượt” trong đánh giá định kỳ thường được xem là nghiệm trọng hơn nhiều so với tình huống trượt khi đánh giá ban đầu hoặc báo giá thất bại bởi nó khi đó bên mua hàng sẽ không nhìn nhận doanh nghiệp như một đối tác cam kết và đáng tin cậy.
Ở mặt tích cực, các bài tham luận và chia sẻ tại Hội nghị cũng cho thấy rằng tất cả các nhà mua hàng tham gia chia sẻ đều có bộ phận Phát triển Lean Manufacturing hoặc Vận hành tuyệt hảo sẵn sàng tham gia hỗ trợ phát triển các đối tác cung ứng tiềm năng. Ngoài ra, một khuyến nghị quan trọng khác được các nhà mua hàng đưa ra là doanh nghiệp SME nên có tinh thần cởi mở trong hợp tác với khách hàng tiềm năng ở cả phương diện tính giá và vận hành sản xuất bởi với kinh nghiệm mua hàng và sản xuất toàn cầu, nhà mua hàng có hỗ trợ “chuẩn đối sánh” với cơ cấu giá thành và thực hành tốt của các doanh nghiệp khác trong khu vực./.

Tác giả bài viết: Mr. Phạm Minh Thắng - Giám đốc P&Q Solutions, Phó chủ tịch – Trưởng ban Đào tạo và Tư vấn VASI

Nguồn tin: Tạp chí Emidas (https://magazine.nc-net.vn/).

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Kế hoạch đào tạo năm 2023
 
Download tài liệu
Đào tạo trực tuyến
P & Q Update
SIX SIGMA ĐAI VÀNG
Chúng tôi trên youtube