05:26 ICT Chủ nhật, 28/04/2024
QUẢNG CÁO

Tổ chức chứng nhận



Trang nhất » Tin tức » Nói về chúng tôi

Viễn cảnh năng suất chất lượng năm 2015 - Phỏng vấn với tạp chí Chất lượng

Chủ nhật - 15/02/2015 10:54 - 2409
    Chia sẻ:
Kể từ khi các doanh nghiệp được tiếp cận đến chương trình Năng suất chất lượng Quốc gia, số lượng doanh nghiệp áp dụng các công cụ và thực hành tốt về năng suất và chất lượng cũng ngày càng được nhân rộng và mang lại hiệu quả trên thực tế. Ông Phạm Minh Thắng, Chuyên gia tư vấn, Giám đốc Công ty P&Q Solutions đã trao đổi cùng với Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xung quanh vấn đề này.
PV: Sự kiện hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng với các lộ trình cam kết của Việt Nam khi tham gia AFTA, WTO… sẽ tạo một thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên nhiều phương diện. Theo ông, vấn đề năng suất và chất lượng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình hội nhập?
Ông Phạm Minh Thắng: Khi các hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan dần được gỡ bỏ theo các cam kết hội nhập, sự cạnh tranh sẽ ngày càng tập trung vào vấn đề cơ bản của sản phẩm hàng hóa và các quá trình tạo ra sản phẩm hàng hóa là Năng suất và Chất lượng.
Về chất lượng, sự cạnh tranh sẽ định hình trên hai phương diện, một là cấp chất lượng – hay định vị sản phẩm, hai là chất lượng – sự phù hợp, ổn định và đáng tin cậy trong phân khúc đã định vị. Các nền kinh tế, doanh nghiệp cạnh tranh thành công sẽ chiếm lĩnh những phân khúc giá trị gia tăng cao trên nền tảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, ngược lại, những nền kinh tế và doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thấp về cấp chất lượng sẽ phải chấp nhận tham gia vào phân khúc giá trị gia tăng thấp hơn hoặc thậm chí bị loại hoàn toàn khỏi thị trường. Với các đối đối tượng ở trong cùng một phân khúc với vai trò là các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, nền kinh tế và doanh nghiệp nào có khả năng tạo ra và cung cấp các sang phẩm hàng hóa có chất lượng ổn định và đáng tin cậy sẽ chiến thắng trong cạnh tranh.
Ở phương diện năng suất, cuộc cạnh tranh liên quan đến tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực nhằm tạo ra giá trị sản phẩm, hàng hóa. Nói cách khác, ai sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu vào của mình thì sẽ chiến thắng trong cạnh tranh về năng suất. Ở cấp vĩ mô của nền kinh tế, điều này phụ thuộc và nhiều yếu tố như cơ cấu kinh tế, chất lượng lao động, thủ tục hành chính, thị trường và công nghệ. Ở cấp doanh nghiệp cuộc chơi tập trung vào việc tinh gọn hóa quá trình tạo giá trị.
PV: Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức gì? Và vai trò năng suất chất lượng góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức đó?
Ông Phạm Minh Thắng: Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong “cuộc chơi” mới liên quan đến các môi trường kinh doanh và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Ở môi trường kinh doanh, đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn và chi phí sử dụng vốn cao; thể chế và các thủ tục hành chính còn chưa thực tinh giản; chất lượng nguồn lao động còn hạn chế; sự cạnh cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại nước ngoài và của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất ở Việt Nam; xu hướng tăng yếu tố nước ngoài về sở hữu và điều hành các hệ thống bán lẻ và phân phối. Thách thức về các yếu tố nội tại bao gồm hạn chế về quy mô, trình độ chất lượng và công nghệ thấp, thực hành quản trị và điều hành doanh nghiệp thiếu hiệu quả.
Tất cả các yếu tố trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh về năng suất và chất lượng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh như vậy, các chiến lược và giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng có vai trò cực kỳ quan trọng giúp doanh nghiệp có thể vượt qua một số thách thức và giảm thiểu tác động tiêu cực của các thách thức khác.
PV: Có ý kiến cho rằng, năng suất có tác động ngược chiều: Năng suất tăng dẫn đến chất lượng giảm và ngược lại. Ông có ý kiến gì về đề này?
Ông Phạm Minh Thắng: Có nhiều quan điểm về năng suất và chất lượng, và tương ứng với các quan điểm khác nhau thì sẽ có những nhìn nhận khác nhau về mối quan hệ giữa chúng. Tuy nhiên, nhìn năng suất từ phương diện giá trị của sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ - mà không phải chỉ là giá trị được sản xuất ra – thì năng suất và chất lượng luôn có quan hệ thúc đẩy lẫn nhau trong dài hạn mà ở đó chất lượng luôn được coi là “điều kiện cần” và năng suất là “điều kiện đủ” của của cạnh tranh về năng suất và chất lượng. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể gặp phải tình trạng năng suất giảm khi chất lượng sản phẩm được cải thiện, tuy nhiên điều này thường là do doanh nghiệp chưa tìm được phương án tối ưu cho tổ chức sản xuất mà không phải là do bản chất của mối quan hệ giữa năng suất và chất lượng.
Cho mục đích phát triển năng suất và chất lượng, tư tưởng năng suất tăng thì chất lượng giảm và ngược lại này cần được loại bỏ vì nó là một trong những rào cản của phát triển.
PV: Là một chuyên gia tư vấn, ông đã thấy sự thay đổi gì trong các doanh nghiệp kể từ khi họ được tiếp cận đến chương trình Năng suất chất lượng Quốc gia?
Ông Phạm Minh Thắng: Có thể nói chương trình này đang mang lại những chuyển biến đáng kể về mặt nhận thức, năng lực và thực hành của doanh nghiệp. Về mặt nhận thức và cam kết, chúng tôi nhận thấy, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được vai trò của năng suất và chất lượng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp mình. Ở góc độ thực hành, số lượng doanh nghiệp áp dụng các công cụ và thực hành tốt về năng suất và chất lượng cũng ngày càng được nhân rộng và mang lại hiệu quả trên thực tế. Chúng tôi cho rằng với xu hướng tích cực này, trong một số năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể có nhiều mô hình điểm với các thực hành quản lý năng suất và chất lượng ở tầm thế giới.
PV: Viễn cảnh Năng suất Chất lượng năm 2015 và những năm tiếp theo được đề cập trong một sự kiện diễn ra mới đây do P&Q Solutions phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa phía Bắc tổ chức. Vậy điểm nổi bật của sự kiện này là gì?
Ông Phạm Minh Thắng: Ngày 23/01/2015 vừa qua, P&Q Solutions đã phối hợp với SME-TAC tổ chức hội thảo “Viễn cảnh Năng suất Chất lượng năm 2015 và những năm tiếp theo: Tinh gọn hóa để cạnh tranh thành công”. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đại diện của P&Q Solutions, Cục phát triển doanh nghiệp, Viện Năng suất Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp đã triển khai Quản trị tinh gọn – Lean Manufacturing. Hội thảo được đánh giá là đã rất thành công trong đưa ra những thông điệp quan trọng đến các doanh nghiệp tham dự:
Một là, hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng mang đến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt đến tận cổng các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, năng suất chung của cả nền kinh tế và năng suất lao động của chúng ta hiện nay đang thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, và vì vậy các doanh nghiệp của chúng ta đang ở vị thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh về năng suất chất lượng.
Ba là, để thích nghi với điều kiện cạnh tranh và vượt lên trong cuộc đua một cách bền vững, các doanh nghiệp cần tích hợp chiến lược phát triển năng suất chất lượng với chiến lược phát triển của doanh nghiệp và triển khai các giải pháp cải tiến với hai trọng tâm là nâng cao chất lượng và tinh gọn hóa hoạt động.
Và cuối cùng, phát triển năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp là một lĩnh vực mà chính phủ đang rất quan tâm và có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển mà doanh nghiệp có thể xem xét, đăng ký và tích hợp như là một động lực cho chương trình của mình.
PV: Ông có đề cập đến vấn đề tinh gọn hóa để cạnh tranh thành công, vậy “con đường” của tinh gọn hóa là gì?
Ông Phạm Minh Thắng: Mục đích quan trọng của tinh gọn hóa là Tam giác E.C.C., bao gồm Hiệu suất (Efficiency), Năng lực (Competency) và Văn hóa doanh nghiệp (Culture), để đảm bảo tình trạng tinh gọn hóa bền vững. Muốn vậy, doanh nghiệp cần có quá trình chuyển đổi từ chiến lược đến thực thi một cách hiệu quả thông qua mô hình 6 bước được đề cập trong hội thảo và cũng đã được một số doanh nghiệp áp dụng thành công ban đầu. Sáu bước này bao gồm: (1) Chấp nhận mô hình Lean & Cam kết chiến lược, (2) Xây dựng “hạt nhân” – Cung cấp nhận thức – Nắm bắt thực trạng, (3) Triển khai “Pilot” & Xác nhận hiệu quả, (4) Mở rộng phạm vi & tích hợp điều hành, (5) Tích hợp Chuỗi cung ứng – Khách hàng & Nhà cung cấp và (6) Cải tiến liên tục – KAIZEN.
PV: Ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp đã và đang thực hiện những công cụ cải tiến để nâng cao năng suất lượng trong doanh nghiệp?
Ông Phạm Minh Thắng: Tinh gọn hóa hoạt động của doanh nghiệp thông qua các phương thức và công cụ cải tiến là một quá trình chuyển đổi phức tạp. Ngoài việc triển khai một lộ trình các giải pháp thì chúng tôi cho rằng có bảy điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý để đảm bảo thành công lâu dài của chương trình, bao gồm: (1) Nắm bắt / tạo & tuyên truyền sự cấp thiết phải chuyển đổi, (2) Từng bước nhỏ một, củng cố và mở rộng, (3) Chưa được thì làm lại – Không đi sẽ không đến, (4) Xác nhận & truyền thông kết quả, (5) Đừng để ai bị bỏ lại / mất việc vì triển khai Tinh gọn, (6) Minh bạch trong đánh giá & thu nhập, (7) Đào tạo và củng cố tư duy Tinh gọn toàn tổ chức.

Tác giả bài viết: Thu Uyên

Nguồn tin: Tạp chí TC-ĐL-CL, Số Xuân Ất Mùi 2015

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Kế hoạch đào tạo năm 2023
 
Download tài liệu
Đào tạo trực tuyến
P & Q Update
SIX SIGMA ĐAI VÀNG
Chúng tôi trên youtube